Một xu hướng nổ bật trong ngành bán lẻ đó chính là thương mại điện tử, triển vọng tích cực trên toàn thế giới trong đó có Việt Nam. Sự phát triển thương mại điện tử là thành phần quan trọng hình thành mô hình bán hàng đa kênh, một mô hình kết hợp giữa bán hàng trực tuyến và bán hàng trực tiếp tại cửa hàng để thu hút khách hàng và tăng khả năng cạnh tranh.
Theo Báo cáo thương mại điện tử năm 2017 của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (VECITA), doanh thu thương mại điện tử B2C toàn cầu năm 2017 đạt khoảng 2,143 tỷ USD, tăng 11.5% so với năm 2016, chiếm 9.14% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Con số này dự kiến đạt 4,058 USD vào năm 2020.
Tại Việt Nam, thương mại điện tử chỉ mới trỗi dậy trong những năm gần đây nhưng đã có những thành tích đáng khích lệ. Khảo sát năm 2017 của VECITA cho thấy 68% người dùng internet đã mua sắm trực tuyến với mức chi tiêu bình quân/người là 186 USD trong năm 2017, doanh thu thương mại điện tử B2C đạt 6.2 tỷ USD, tăng 24% so với năm 2016, chiếm 3,6% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Dự kiến vào năm 2020, 30% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị mua hàng trực tuyến đạt trung bình 350 USD/người/năm; doanh số TMĐT B2C (doanh nghiệp với khách hàng) sẽ đạt 10 tỷ USD, chiếm 5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Điều này cho thấy người dân Việt Nam ngày càng tin tưởng và sử dụng nhiều hình thức mua sắm trực tuyến, thay vì tâm lý ngại mua hàng qua mạng như trước đây. Trên thực tế, do nhu cầu mua sắm online ngày càng tăng nên các website thương mại điện tử cũng nở rộ tại Việt Nam và nhận được sự quan tâm đầu tư từ nước ngoài như: Lazada, Shopee, Tiki, Sendo…Bên cạnh đó, trên các mạng xã hội như: Facebook, Zalo… hoạt động kinh doanh cũng khởi sắc. Quần áo thời trang là nhóm hàng hóa được mua trên mạng nhiều nhất trong những năm qua. Tiếp đến là nhóm đồ công nghệ và điện tử; thiết bị đồ dùng gia đình; đặt chỗ khách sạn/tour du lịch… Hầu hết người mua sắm trực tuyến đều thích trả tiền mặt khi giao hàng với 80% người lựa chọn phương thức thanh toán này.
Trong số 50 trang web thương mại điện tử phổ biến nhất tại Việt Nam hiện nay gồm Lazada, thegioididong.com, Sendo, Shopee và Tiki là 5 website dẫn đầu về lượng truy cập. Trong đó, Lazada ( thuộc sở hữu của Alibaba) và Shopee là các đơn vị nước ngoài. Điều này chứng tỏ ngoài kênh bán lẻ hiện đại, các nhà bán lẻ nước ngoài cũng đang ra sức cạnh trang với các nhà bán lẻ trong nước qua kênh thương mại điện tử.
Mặc dù kênh thương mại điện tử trong ngành bán lẻ tại Việt Nam còn khá non trẻ nhưng về cơ bản đã làm hài lòng người tiêu dùng Việt Nam trong việc lựa chọn và so sánh hàng hóa, tìm kiếm thông tin và tiết kiệm thời gian di chuyển mua sắm. Tuy nhiên làm thế nào để tăng tốc độ giao hàng, tăng cường tính an toàn trong thanh toán trực tuyến và niềm tin khách hàng đối với chất lượng sản phẩm là những vấn đề cần được cải thiện đối với các nhà bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam.
Sưu tầm